Hệ thống nuôi trồng thủy sản tuần hoàn (RAS) có thể xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn cho ao nuôi tôm, giúp tăng năng suất, chất lượng tôm, giảm thời gian thay nước.

Nuôi tôm tạo ra nhiều chất thải

Tại hội thảo “Xử lý nước thải trong nuôi trồng thủy sản” do Trung tâm thông tin, thống kê, khoa học và công nghệ, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM tổ chức sáng 28/08, PGS.TS Phạm Ngọc Tuấn, Trưởng phòng thí nghiệm điều khiển số và kỹ thuật hệ thống, ĐH Bách khoa, ĐH Quốc gia TP.HCM chia sẻ, thống kê mới đây cho thấy Việt Nam đang xếp thứ 2 thế giới về xuất khẩu tôm. Với vị trí này, giá trị xuất khẩu tôm của Việt Nam chiếm khoảng 15% tổng giá trị xuất khẩu tôm của thế giới. Xu hướng nuôi trồng tôm sẽ chiếm tỉ lệ cao vì nguồn lợi từ khai thác tự nhiên ngày càng thu hẹp.

Làm sạch nước thải ao tôm bằng công nghệ RAF - 1

Nuôi tôm tạo ra nhiều chất thải rắn nằm trong nước và cần phải có quá trình xử lý nước này. Ảnh: Hà Thế An.

PGS Tuấn chỉ rõ, dự báo trong năm 2020 sản lượng nuôi trồng thủy sản (trong đó có tôm) đạt 65%, đến năm 2030 tăng lên 70%. Sản lượng nuôi trồng lớn, đồng nghĩa với việc tình trạng ô nhiễm môi trường trong ngành nuôi tôm sẽ tăng lên. Ước tính mỗi tấn tôm nuôi trồng thành công sẽ làm phát sinh 30kg Nitơ, 3,7kg Phốt pho, 4,8kg Amoniac (có trong nước nuôi tôm). Ngoài ra, nuôi tôm còn phát sinh các BOD, COD vào môi trường nước.

Dự đoán của FAO năm 2030, có đến 40% sản lượng tôm tại Châu Âu vào Trung Quốc sẽ sử dụng mô hình RAS.

“Nước nuôi tôm thải ra môi trường gây ô nhiễm. Ngoài ra nhiều người nuôi tôm còn trộn kháng sinh vào thức ăn gây hại cho sức khỏe con người. Tôm nuôi sử dụng kháng sinh nên không thể xuất khẩu được. Vì thế, bài toán đặt ra là cần phải có quy trình xử lý nguồn nước thải của ao tôm, giảm thời gian thay nước, tăng năng suất, chất lượng tôm nuôi”- PGS Tuấn chia sẻ.

Từ đó, ông đưa ra mô hình Hệ thống nuôi trồng thủy sản tuần hoàn (RAS) đang được Tổ chức nông lương Liên hợp quốc (FAO) khuyên dùng. Dự đoán của FAO năm 2030, có đến 40% sản lượng tôm tại Châu Âu vào Trung Quốc sẽ sử dụng mô hình RAS.

Đây là công nghệ sử dụng các bể nuôi tôm ở mật độ cao với hệ thóng tuần hoàn lọc và làm sạch nước giúp kiểm soát môi trường sống của tôm. Nước sau khi lọc được tái sử dụng vì được xử lý bằng các hệ thống lọc cơ học, sinh học, giảm tiêu thụ nước và năng lượng, cải thiện khả năng quản lý chất thải, tái sử dụng chất dinh dưỡng, kiểm soát vệ sinh, dịch bệnh cho tôm,…

“Hệ thống này sẽ giảm đáng kể rủi ro về dịch bệnh, tỉ lệ tôm sống cao hơn, cải thiện đời sống và an sinh xã hội. RAS đã được một số doanh nghiệp đưa vào ứng dụng tại Đồng bằng sông Cửu Long với chi phí thấp, người dân hoàn toàn có thể tiếp cận công nghệ này”- PGS Tuấn cho biết.

Đã có doanh nghiệp tiên phong ứng dụng RAS

Đã có những doanh nghiệp ứng dụng mô hình RAS để phát triển những công nghệ lọc nước thải trong ao nuôi tôm và đạt được những kết quả nhất định. Công ty Cổ Phần Khoa Học và Công Nghệ Cenintec (xã Lý Nhơn, huyện Cần Giờ, TP.HCM) là một trong những doanh nghiệp như thế.

TS Nguyễn Minh Hà – Giám đốc công ty đã chia sẻ về công nghệ RAS tại sự kiện tổ chức ở Trung tâm thông tin, thống kê khoa học và công nghệ, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM ngày 28/8. Ảnh: Hà Thế An.

TS Nguyễn Minh Hà, giám đốc công ty Cenintec cho biết, hiện tại đơn vị đã nghiên cứu thành công thiết bị lọc nước cơ học có tên gọi Cenfilt. Công nghệ này có thể lọc được các chất thải rắn có trong nước bể nuôi tôm, ngăn ngừa tối đa vấn đề chất thải rắn bị phân hủy trong nước.

Cụ thể, thiết bị lọc nước cơ học có kích thước 1200x700x900 mm, diện tích lưới lọc 1,8 mét, lưới lọc có thể lọc các chất thải rắn có kích thước lớn hơn 37 micromet. Thiết bị này có thể giảm hơn 50% tổng chất rắn lơ lửng trong nước, cải thiện chất lượng lượng nước, giảm chi phí xử lý nước.

“Ở các hồ nuôi cá, khi sử dụng hệ thống lọc này có thể tăng tỉ lệ lọc các chất rắn lơ lửng trong nước lên tới 80%. Giá thành của thiết bị này chúng tôi đang bán với giá khoảng 60 triệu đồng, hoàn toàn phù hợp với điều kiện kinh tế nông dân”- TS Hà nói.

Ngoài ra, hiện này công ty Cenintec đã sử dụng thiết bị lọc nước cơ học và nhiều hệ thống lọc khác như lọc với vật liệu rỗng, lọc sinh học,…kết hợp với các phần mềm quản lý trang trại, hệ thống giám sát chất lượng nước trên thiết bị di động để tạo nên hệ thống RAS.

Sau khi thử nghiệm hệ thống RAS trên quy mô diện tích 1.000 mét vuông gồm 9 bể nuôi tôm (mỗi bể đường kính 9 mét) sản lượng tôm đạt 150kg/bể/vụ với hình thức thu tỉa sau 60 ngày nuôi, 550kg/bể/vụ với hình thức thu hoạch sau 90 ngày nuôi. Tổng thu hoạch cho 9 bể trong 1 năm với hơn 3 vụ nuôi là hơn 22 tấn tôm.

 Nguồn: Trung Tâm KH&CN Tỉnh Bình Phước dostcenter.binhphuoc.gov.vn

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *